PHƯƠNG HƯỚNG CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TRƯỜNG TIỂU HỌC BÌNH TIÊN 1 (GIAI ĐOẠN 2016 – 2020)

PHƯƠNG HƯỚNG CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN 

TRƯỜNG TIỂU HỌC BÌNH TIÊN 1

(GIAI ĐOẠN 2016 – 2020)

Trường Tiểu học Bình Tiên 1 là một trường thuộc xã vùng ven của Huyện Châu Thành, Tỉnh Đồng Tháp. Nhà trường nằm trên địa bàn vùng giáp ranh các xã phía Nam của Huyện Châu Thành,  giáp ranh các xã, phường TP Sa Đéc,  Tỉnh Đồng Tháp. Nhà trường được thành lập năm 1994, được tách ra từ Trường PTCS cấp 1 Tân Bình 2 với nhiều hạn chế, thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên – học sinh rất khiêm tốn, một số là từ nơi khác đến định cư. Đến nay nhà trường đã ổn định với khá đủ phòng học, một số phòng chức năng. Chất lượng và số lượng học sinh ngày càng gia tăng đáp ứng khá tốt mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Năm học 2016 – 2017 nhà trường có đội ngũ CB – GV – CNV là 35 người với 669 học sinh, 22 lớp.

I. PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG:

1. Đặc điểm tình hình:

1.1. Môi trường bên trong:

a/ Mặt mạnh:

– Phần lớn PHHS luôn quan tâm đến việc học của con em, đưa con em đến trường kịp thời vào đầu năm học, góp phần giúp nhà trường ổn định tổ chức kịp thời, thực hiện tốt biên chế năm học.

– Đời sống kinh tế GV tương đối ổn định, đa số nhiệt tình, tham gia và đạt nhiều thành tích trong các phong trào, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tập thể sư phạm luôn đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên còn trẻ, đạt trình độ chuyên môn chuẩn (100%) và trên chuẩn (74%), nhiệt tình, luôn có ý thức phấn đấu trao dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nâng cao tay nghề, CM-NV, từ đó kết quả dạy và học hàng năm đều tăng lên, được cấp trên đánh giá cao, đạt trường Tiên tiến nhiều năm liền.

– Đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường đầy đủ, đạt chuẩn về phẩm chất chính trị, năng lực quản lý và có nhiều quyết tâm trong đổi mới công tác lãnh đạo, quản lý nhà trường.

– Đa số học sinh ngoan hiền, có nhiều quyết tâm vươn lên trong học tập, tích cực tham gia các phong trào khi nhà trường tổ chức.

– Công tác dạy – học đã có nề nếp và đổi mới kịp thời với chất lượng dạy – học ngày càng đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh.

– Cơ sở – vật chất thiết bị tương đối đầy đủ, đã đáp ứng yêu cầu công tác dạy và học trong những năm gần đây.

– Nguồn kinh phí, ngân sách được khoán theo NĐ 43 đảm bảo khá tốt, giúp các hoạt động của nhà trường được tổ chức thuận lợi.

b/ Mặt yếu:

– Vẫn còn một bộ phận PH chưa thật sự quan tâm đến việc học của con em, còn trông chờ vào sự quan tâm của Nhà nước, thường là phó mặc cho nhà trường, từ đó đã ảnh hưởng phần nào đến chất lượng GD.

– Nhà trường có 02 điểm trường, CSVC, công trình phụ vẫn còn thiếu nhiều, chưa xây dựng đáp ứng kịp thời cho đầu năm học như sân trường ẩm thấp, bụi bẩn… từ đó làm ảnh hưởng đến việc xây dựng chương trình “Xanh – Sạch – Đẹp”.

– Chất lượng học sinh đầu cấp nhiều hạn chế, thái độ, ý thức, động cơ học tập của một bộ phận học sinh chưa được xây dựng tốt, làm ảnh hưởng đến việc xây dụng nề nếp học đường.

– Đội ngũ giáo viên còn trẻ, thiếu kinh nghiệm trong giảng dạy và giáo dục học sinh, từ đó chưa ứng phó phù hợp các tình huống xảy ra trên lớp cũng như về công tác chủ nhiệm.

– Cán bộ quản lý nhà trường còn hạn chế trong công tác lãnh đạo, còn chạy theo sự vụ quản lý hành chánh nhiều, dẫn đến chưa xác định được sự phát triển trong tương lai nhà trường.

1.2. Môi trường bên ngoài:

– Được sự quan tâm sâu sát của các cấp lãnh đạo địa phương, đặc biệt là của ngành GD, đồng thời có sự hỗ trợ nhiệt tình của các ban ngành đoàn thể và các mạnh thường quân. Các hoạt động luôn được sự quan tâm lãnh đạo Chi bộ nhà trường.

– Nhà trường được giao quyền tự chủ về nhiều lĩnh vực theo NĐ 43 nhưng trong tình hình đặc thù của địa phương, nhà trường chưa được quyền tự chủ trong tuyển chọn, sắp xếp đội ngũ giáo viên – nhân viên nhà trường.

– Địa phương là vùng nông thôn, kinh tế khó khăn, đa số nhân dân sống bằng nghề nông, còn nặng về kinh tế gia đình, do đó ảnh hưởng không ít đến việc duy trì sĩ số, phòng chống bỏ học, công tác XH hoá GD còn rất hạn chế.

– Phong trào xây dựng ấp văn hóa, xã văn hóa ở địa bàn có phát triển nhưng chưa vào chiều sâu, ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng văn hóa nhà trường và việc phối hợp 3 môi trường trong giáo dục con em.

– Xã hội phát triển về mặt tích cực trong cơ chế thị trường nhưng các tiềm ẩn về tệ nạn xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc rèn luyện tác phong đạo đức, ý thức, động cơ, thái độ học tập của học sinh.

2. Các vấn đề chiến lược:

– Đổi mới lãnh đạo và quản lý nhà trường do yêu cầu phải phát triển giáo dục để đáp ứng nhiệm vụ phát triển KT – XH thời kỳ hội nhập, cơ chế thị trường của đất nước và toàn cầu. Trọng tâm của giai đoạn này là phải bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường nắm bắt và vận dụng có hiệu quả các kiến thức và tăng cường năng lực đổi mới về tư duy, phương thức và cơ chế quản lý giáo dục.

– Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn – nghiệp vụ. Trọng tâm của giai đoạn này là phải đẩy mạnh vai trò lãnh đạo, hỗ trợ giáo viên phát triển nhân cách và chuyên môn qua việc xây dựng nhà trường thành tổ chức học tập, tổ chức tốt các hoạt động bồi dưỡng định  kỳ, lãnh đạo tốt hơn quá trình tự học, tự bồi dưỡng

– Lãnh đạo và quản lý phát triển giáo dục toàn diện cho học sinh với quan điểm lấy học sinh làm trung tâm để hướng tới sự phát triển nhân cách học sinh. Trong giai đoạn nầy cần thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng “trường học thân thiện – học sinh tích cực” để đạt được các giá trị cơ bản của nhà trường trong việc thực hiện mục tiêu là một  trong 10 trường hàng đầu của Huyện đến năm 2020.

– Phát triển văn hóa nhà trường để tạo ra môi trường thuận lợi hỗ trợ việc dạy và học, khuyến khích giáo viên và học sinh nỗ lực rèn luyện, đạt thành tích như mong đợi. Trọng tâm của giai đoạn này là tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa nhà trường có được trong thời gian qua đồng thời vun trồng, xây dựng 6 giá trị cơ bản cần phải có của nhà trường.

– Huy động các nguồn lực phát triển nhà trường, vì đây là yếu tố khách quan quyết định thành công của nhà trường. Trọng tâm giai đoạn này là ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp huy động nhân lực, vật lực, tài lực, tin lực từ nội tại bên trong nhà trường thì phải có biện pháp tăng cường việc huy động các nguồn lực còn phong phú từ bên ngoài nhà trường để đảm bảo cho trường phát triển ổn định và bền vững.

II. ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC:

1. Sứ mạng:

Luôn quan tâm chăm sóc và đem lại các kiến thức, đạo đức, thể chất, tình yêu quê hương, đất nước, làm cho mỗi học sinh tự nhận ra giá trị của bản thân mình.

Giáo dục mỗi trẻ em thành người có khả năng tự định hướng vươn lên và tự học suốt đời, giúp các em sẵn sàng và quyết tâm phụng sự địa phương và đất nước.

Xây dựng được nhà trường dạy và học có nề nếp – kỷ cương – đạt chất lượng cao để mỗi giáo viên và học sinh đều có cơ hội phát triển năng lực, tư duy sáng tạo và kỹ năng sống trong cộng đồng.

 2. Tầm nhìn:

Xây dựng nhà trường năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động trong và ngoài cộng đồng, là nơi giáo viên và học sinh luôn luôn biết tự học suốt đời, biết phát huy năng lực sáng tạo của bản thân.

Giáo dục học sinh phát triển toàn diện về Đức, Trí, Thể, Mĩ và các kĩ năng cơ bản, HS sẽ trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước.

3. Giá trị:

Trên cơ sở mục tiêu giáo dục, các chủ trương xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, nhà trường xây dựng các giá trị cho đội ngũ HS như sau:

– Tinh thần đoàn kết

– Tinh thần trách nhiệm

– Lễ phép

– Hiếu học

– Thân thiện

– Tích cực

III/ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC:

1. Mục tiêu chung:

– Huy động toàn bộ đội ngũ nhà trường tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao hơn cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung, cuộc vận động “Mỗi Thầy, Cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”. Tạo các mối quan hệ đúng đắn trong nhà trường, chăm sóc giáo dục học sinh rèn luyện tốt đạo đức, lối sống; chấp hành tốt pháp luật, nội qui nhà trường, văn hóa nhà trường – ngoài xã hội và ở gia đình.

– Phát triển đội ngũ cán bộ – giáo viên – công nhân viên vững vàng về chuyên môn – nghiệp vụ, tích cực đổi mới PP dạy – học phù hợp, phát huy chủ thể học sinh vùng nông thôn, luôn nêu cao ý thức và phấn đấu thực hiện tốt phong trào tự học tập, tự bồi dưỡng và hỗ trợ lẫn nhau trong việc phát triển chuyên môn và nhân cách đội ngũ nhà trường.

– Xây dựng môi trường sư phạm, văn hóa nhà trường qua thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng “trường học thân thiện – học sinh tích cực” với nội dung chủ yếu: tạo khung cảnh nhà trường luôn xanh – sạch – đẹp, môi trường sư phạm lành mạnh bên trong và chung quanh nhà trường, tạo sự đoàn kết gắn bó – tôn trọng nhau giữa các thành viên trong nhà trường, hạn chế học sinh lưu ban – bỏ học, xây dựng phương pháp học tập tích cực cho học sinh ở trường, ở nhà, học tập theo nhóm, tổ;, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp để giáo dục truyền thống, rèn luỵện sức khỏe, thẩm mỹ và kỹ năng sống cho học sinh.

– Đổi mới công tác lãnh đạo và quản lý nhà trường; ứng dụng tích cực CNTT trong dạy học và quản lý. Xây dựng kế hoạch và huy động các nguồn lực từ nội tại và bên ngoài nhà trường, trong đó chủ yếu là nguồn nội tại và hội CMHS của trường.

– Tạo dựng được môi trường học tập, rèn luyện đạt chất lượng trong top 10 trường tiểu học của Huyện; xây dựng được thương hiệu nhà trường và luôn có được niềm tin của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể:

– Duy trì sĩ số đạt 99% năm 2016, 100% năm 2017 đến năm 2020.

– Chất lượng học tập của học sinh:

+ Hoàn thành CTTH: Đạt 99% năm 2016, đạt 100% từ năm 2019, 2020.

+ Học sinh HT tốt:                        60% năm 2016; 70% đến năm 2020

+ Học sinh Hoàn thành:               39% năm 2016; 29,5% đến năm 2020

+ Học sinh Chưa hoàn thành:      01% năm 2016; 0,5 % đến năm 2020

– Chất lượng năng lực, phẩm chất của học sinh:

+ Tốt: 80% năm 2016, 90% đến năm 2020.

+ Đạt: 20% năm 2016, 10% đến năm 2020.

– Xây dựng phong trào thi đua “Trường học thân thiện – học sinh tích cực”: được xếp loại xuất sắc năm 2016, duy trì từ năm 2017 đến 2020.

– Giữ vững Đơn vị Văn hoá từng năm, phấn đấu đạt trường Xanh – Sạch – Đẹp năm 2020.

– Đạt danh hiệu trường Tiên tiến năm 2016; Đạt danh hiệu trường Tiên tiến Xuất sắc từ năm 2017 đến năm 2020. Được đánh giá trong top 10 của các trường tiểu học trong Huyện từ năm 2018 đến năm 2020.

– Phát triển đội ngũ cán bộ – giáo viên – nhân viên: đạt chuẩn 100%, vượt chuẩn 94% năm 2018, vượt chuẩn 98% đến năm 2020; đạt Giáo viên giỏi – CSTĐ 15% năm 2016, đạt 35% năm 2020; Viên chức đạt Xuất sắc 77% năm 2016, đạt 95% đến năm 2020, không có viên chức từ TB trở xuống từ năm 2018.

– Xây dựng cơ sở vật chất nhà trường đạt chuẩn quốc gia đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020.

– Đạt kết quả kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 1 năm 2018, cấp độ 3 năm 2020.

IV. CÁC GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC

Căn cứ vào mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể, nhà trường tiếp tục đề ra các giải pháp thực hiện phù hợp tình hình thực tiễn của nhà trường, gồm các nội dung:

– Đổi mới công tác dạy học;

– Phát triển đội ngũ;

– Cơ sở vật chất, thiết bị, công nghệ;

– Nguồn lực tài chính;

– Hệ thống thông tin;

– Quan hệ với cộng đồng;

– Đổi mới công tác lãnh đạo và quản lý.

V.  NHỮNG KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT VỚI CÁC CẤP QUẢN LÝ GIÁO DỤC

– Khẳng định tính ưu việt của chế độ cũng như thành tựu quốc gia trong việc giáo dục và chăm sóc trẻ em, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước tiếp tục tăng cường đầu tư có hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục nói chung.

– Nâng cao chất lượng giáo dục mạnh mẽ qua việc hoàn thiện quản lý Nhà nước về biên soạn và bảo đảm chất lượng của sách giáo khoa, giáo trình nói chung, việc công khai, minh bạch hoá hoạt động đào tạo, việc thực hiện mục tiêu chương trình giáo dục, nguồn lực và tài chính, kết quả đánh giá chất lượng giáo dục, việc tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, cũng như quản lý Nhà nước về nội dung và phương pháp giáo dục.

– Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về giáo dục qua việc phân công, phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân, các thành phần kinh tế tích cực tham gia các hoạt động phát triển giáo dục và đào tạo. Đồng thời tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các cơ sở giáo dục hoạt động giáo dục mà không đủ điều kiện về đội ngũ nhà giáo, về cơ sở vật chất, trang thiết bị.

– Tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương của Đảng và Nhà nước về giáo dục, đặc biệt là chủ trương “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, tạo mọi điều kiện nhằm nâng cao vị thế nhà trường và đội ngũ giáo viên trong giai đoạn hiện nay.

HT